Phòng chống ngộ độc thực phẩm – Công ty CP Ozone Quốc Tế
Làm sao để du khách không bị ức chế về mùi?
30 Tháng Bảy, 2016
Sự chuyển đổi Ozone
2 Tháng Tám, 2016

Phòng chống ngộ độc thực phẩm

ThS-KS Nguyễn Thị Ngọc Thu – Phòng Truyền thông và đào tạo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, hướng dẫn: những thực phẩm (TP) dễ bị ô nhiễm, gây ngộ độc là TP giàu đạm (thịt, cá, sữa, trứng…), TP giàu chất béo (dầu, mỡ), TP có thành phần nước cao (rau, quả). Đặc biệt, cần lưu ý các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, phóng xạ; ô nhiễm từ nguồn nguyên liệu.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nên thực hiện 10 nguyên tắc “vàng” sau:

  • Chọn thực phẩm tươi sạch.
  • Thực hiện “ăn chín, uống sôi”; ngâm kỹ, rửa sạch rau quả khi ăn sống.
  • Thức ăn sống, chín phải để riêng; không dùng lẫn dụng cụ chế biến.
  • Giữ dụng cụ, nơi chế biến luôn khô sạch.
  • Rửa tay trước khi chế biến và trước khi ăn.
  • Chế biến thức ăn bằng nước sạch.
  • Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín.
  • Ăn ngay thức ăn khi vừa nấu xong.
  • Đun kỹ thức ăn trước khi dùng lại.
  • Không ăn thức ăn ôi thiu.

Phương pháp bảo quản TP: nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm của môi trường bảo quản; thời gian bảo quản; chất lượng bao bì phải bảo đảm đáp ứng riêng cho từng loại TP. Nếu không đạt yêu cầu, sẽ tác động đến giá trị dinh dưỡng của TP, làm biến đổi thành phần đạm, béo, đường, vitamine… gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến màu sắc của TP hoặc nhiễm các chất độc hại từ bao bì vào TP.

Các phương pháp bảo quản TP gồm: bảo quản ở nhiệt độ thấp (lạnh hay đông lạnh); bảo quản ở nhiệt độ cao (thanh trùng ở nhiệt độ hơn 100oC, sấy khô, xông khói); bảo quản bằng phương pháp hóa học (ướp muối, đường; ngâm giấm; lên men); bảo quản bằng phương pháp vật lý (chiếu xạ).

Cách sử dụng thức ăn đã chế biến:

  • Thức ăn không dùng hết, phải đun sôi lại trước khi cất. Trước khi ăn lại, phải đun sôi lần nữa, ít nhất 10 – 15 phút. Chỉ nên dùng lại thức ăn của bữa trước thêm một lần.
  • Thức ăn đã chế biến, chỉ có thể giữ được từ 3 – 4 giờ ở nhiệt độ 60oC (nếu ăn nóng) và 10oC (nếu ăn nguội).
  • Đối với TP nấu chín, tránh tối thiểu tay tiếp xúc với TP, để giảm sự xâm nhập của mầm bệnh; phải có dụng cụ riêng để gắp thức ăn.

Lưu ý: Trên cơ thể con người, có hàng trăm loại vi khuẩn cư trú ở da (đặc biệt ở tay), miệng, đường hô hấp, đường tiêu hóa, bộ phận sinh dục, tiết niệu. Nếu vệ sinh cá nhân không tốt, vi khuẩn gây bệnh sẽ truyền từ người sang TP, khiến TP bị ô nhiễm. Người ăn phải TP này sẽ bị ngộ độc.

error: Nội dung cấm sao chép!